Cường kinh ,thiểu kinh và hội chứng căng thẳng trước kì kinh

Cường kinh và thiểu kinh Kinh nguyệt của bạn gái có thể rất khác nhau. Có bạn, mỗi tháng chỉ bị ra máu hai đến ba ngày, song lại có bạn kéo dài tới bảy, tám ngày. Có bạn mỗi ngày hành kinh chỉ phải thay băng vệ sinh vài ba lần, song có bạn thay liên tục mà vẫn ''lo ngay ngáy''. Và các bạn thường tự hỏi không biết thời gian hành kinh và số lượng máu kinh của mình có phải là bình thường không hay là hiện tượng bất thường. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin quan trọng về vấn đề này.

Bình thường, thời gian hành kinh kéo dài từ ba đến năm ngày và lượng máu kinh có thể dao động trong khoảng 38,13 ± 24,76 (ml). Nếu thời gian hành kinh và lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít đều được coi là bất thường.

Nếu "nguyệt san" của bạn kéo dài trên 7 ngày, và lượng máu kinh ra nhiều trên 200 ml thì được coi là cường kinh. Còn nếu thời gian "nguyệt san" của bạn dưới hai ngày và lượng máu kinh ra ít hơn 15ml thì được coi là thiểu kinh. Tất nhiên rất khó có thể đo đạc lượng máu kinh một cách chính xác, vì vậy, bạn có thể ước luợng một cách tương đối như sau: Bình thường, trong hai hoặc ba ngày đầu của kỳ hành kinh, máu kinh có thể thấm ướt khoảng ba hoặc bốn miếng băng vệ sinh, và lượng máu kinh sẽ giảm dần trong những ngày tiếp theo cho đến khi sạch hăn. Nếu bạn phải thay băng vệ sinh liên tục mà vẫn luôn ướt đẫm kèm theo số ngày hành kinh kéo dài thì cần nghĩ đến hiện tượng cường kinh và ngược lại, nếu bạn thay băng vệ sinh mà thấy lượng máu kinh chỉ thấm có chút ít và dưới hai ngày đã sạch kinh rồi thì cần nghĩ đến hiện tượng thiểu kinh.

Nguyên nhân của hiện tượng cường kinh và hướng xử trí

Phần lớn là do có tổn thương thực thể ở tử cung như u xơ tử cung, polyp trong buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung làm tử cung không co bóp được tốt và chậm cầm máu. Cũng có thể do tử cung đổ sau khiến ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch nên gây chảy máu nhiều.

Một số bệnh như tăng huyết áp, rối loạn đông máu, bệnh thận.... cũng có thể gây cường kinh.

Cũng như rong kinh, rong huyết, cường kinh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cho người phụ nữ vì gây mất máu nhiều. Vì vậy khi bị cường kinh thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám phát hiện nguyên nhân cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguyên nhân của hiện tượng thiểu kinh và hướng xử trí

Lượng kinh nguyệt ít có thể do bệnh ở tử cung như tử cung nhi tính, dính buồng tử cung sau nạo hút thai, sau đẻ hoặc do bệnh ở buồng trứng như suy sớm buồng trứng, ung thư buồng trứng, hoặc một số bệnh khác như nam hoá. Vì vậy, bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng nguyên nhân.

Có lúc kinh nguyệt ít còn gây ra thống kinh, đau dữ dội hoặc đau theo từng cơn. Điều này chứng tỏ trong buồng tử cung bị dính hoặc là mạch máu bị ngăn trở, thường hay xảy ra ở những người đã nạo thai. Những trường hợp này cần phải được xử lý gấp.

Hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh

Khoảng một tuần trước khi hành kinh bạn gái thường thấy có một số biểu hiện khác thường. Ví dụ như người mệt mỏi, nặng nề, đau đầu, dễ cáu gắt, dễ xúc động… Các biểu hiện này được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt, hoặc hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh. Hội chứng này sẽ hết trong hoặc sau khi hành kinh.

Định nghĩa

Từ thế kỷ 16 đã có những ghi chép về những hiện tượng khó chịu xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt. Đến năm 1931, hiện tượng này được gọi là "Hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh" hay “Hội chứng tiền kinh nguyệt”. Đây là một nhóm các triệu chứng gây khó chịu xảy ra lặp đi lặp lại vào trước mỗi kỳ kinh.

Theo một số điều tra, khoảng 90% phụ nữ có triệu chứng khó chịu trước kỳ kinh nguyệt. Trong đó, 30-40% có biểu hiện rõ ràng, và khoảng 3%-12% ở mức nghiêm trọng cần phải điều trị. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, do chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt, trên 10% phụ nữ không thể đảm nhiệm được công việc thường ngày trong một hoặc vài ngày trước kỳ kinh.

Như vậy, chứng căng thẳng trước kỳ kinh là hiện tượng tương đối phổ biến ở giới nữ, đa số ở mức nhẹ, không đủ để gây chú ý, quan tâm ở chị em. Tỷ lệ người bị bệnh nặng chỉ là thiểu số.

Đặc điểm của hội chứng căng thăng trước kỳ kinh là nó xảy ra theo chu kỳ, thường là từ một đến hai tuần trước ngày có kinh. Sau đó, các triệu chứng tạm thời suy giảm trong vòng một tuần. Chỉ được coi là hội chứng trước kỳ kinh nếu các triệu chứng diễn ra liên tục, qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt.

Biểu hiện thường thấy của hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh

Biểu hiện của hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh rất đa dạng, không giống nhau giữa người này với người khác. Trường hợp điển hình thì có thể có những biểu hiện như sau:

Về mặt thể chất: ngực bị cương tức, đau đầu vú, căng tức vùng bụng dưới, nhức đầu, chân tay mỏi dừ, có cảm giác tăng cân, thói quen đại, tiểu tiện bị thay đổi,…

Về mặt tâm lý: nôn nóng, sốt ruột, dễ nổi cáu, giảm tập trung, tình cảm không ổn định, toàn thân cảm thấy nặng nề,…

Biểu hiện khác: Thay đổi thói quen ăn uống như thích ăn đồ ngọt; thay đổi nhu cầu tình dục. Có người còn có triệu chứng giống như phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh: bốc hỏa, toát mồ hôi, tim đập mạnh và loạn nhịp, mất ngủ…

Những triệu chứng này thường mất sau khi có kinh. Tuy nhiên ở một số phụ nữ nó kéo dài đến hết ngày có kinh.

Không phải phụ nữ nào cũng có đầy đủ các triệu chứng nói trên và mức độ nặng nhẹ ở từng người cũng khác nhau.

Nguyên nhân

Thăm khám cơ thể hoặc thử máu không giúp chẩn đoán hội chứng trước kỳ kinh. Các bác sĩ đã đề nghị bệnh nhân của họ ghi lại các triệu chứng và quá trình biến chuyển của chúng trong ngày, qua nhiều kỳ kinh. Tuy vậy bác sĩ vẫn chỉ dừng lại ở việc đưa ra các giả thiết về nguyên nhân của hội chứng này.

- Nguyên nhân nội tiết: Chất nội tiết tố estrogen và Progesteron có sự thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể là do Progesteron (có tác dụng trấn tĩnh đối với hệ thần kinh trung ương) bị thiếu hụt nên nẩy sinh chứng lo âu, mệt mỏi hay cãi vã. Do đó, rất có thể người phụ nữ bị hội chứng rối loạn là do cơ thể họ phản ứng với một số thay đổi ở hormone liên quan đến kỳ kinh

- Nguyên nhân di truyền: Một số nhà khoa học đã quan sát chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt của hai chị em gái song sinh hoặc của con gái và mẹ đẻ. Họ nhận thấy, khả năng phát bệnh có liên quan đến nhân tố di truyền.

- Thiếu hụt một số vitamin và chất khoáng.

Giải pháp

Ăn uống hợp lý và kiểm soát tốt hơn tình cảm:

Đầu tiên, hãy ăn uống một cách hợp lý. Tránh các thức ăn mặn, bởi muối bắt cơ thể trữ nước. Không nên uống nhiều cà phê và trà bởi những thức uống này dễ gây căng thẳng thần kinh. Đường và đồ uống ngọt cũng là những thứ nên tránh.

Bạn cũng nên bỏ thuốc và rượu vì những thứ này gây cảm giác nặng nề và những rối loạn tình cảm.

Thức ăn giàu can xi, magiê, măng gan và ka li (có nhiều trong thịt, trứng, sữa, nội tạng động vật, hoa quả tươi như chuối, cam, quýt ..), uống nhiều nước cũng có tác dụng trong việc giảm thiểu các triệu chứng rối loạn trước kỳ kinh. Một số các chuyên gia khác còn khuyên nên dùng thêm kẽm và vitamin B6 cũng như axít béo chưa no.

Bạn cũng cần ngủ đủ giấc và chơi một số môn thể thao mà bạn ưa thích, ngoài ra bạn cũng cần chú ý quan sát về các thay đổi của bản thân để tự điều chỉnh, tự giải toả tâm lý. Bạn cũng có thể chia sẻ với bạn bè, người thân là bạn sắp đến “ngày” để mọi người thông cảm. Đó có thể là những phương thuốc hiệu nghiệm giúp bạn bớt được những triệu chứng căng thẳng trước kỳ kinh

Dùng thuốc hỗ trợ:

Thường thì bạn gái có thể chịu đựng được các rối loạn này và không cần phải tới gặp bác sĩ. Nhưng đôi khi các khó chịu trước kỳ kinh gây trở ngại tới công việc và cuộc sống của họ. Trong trường hợp này, các bác sĩ khuyên dùng thuốc. Có thể dùng một số loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Paradol… cao ích mấu… hoặc dùng thuốc tránh thai để ngăn ngừa các rối loạn trước kỳ kinh. Hiệu quả của thuốc này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Và các nhà khoa học Mỹ đang chuẩn bị đưa ra thị trường một loại thuốc tránh thai dành riêng cho những phụ nữ có vấn đề khi chuẩn bị hành kinh. Tuy nhiên, trước khi dùng bất cứ một loại thuốc nào cần hỏi ý kiến của bác sĩ.



Nguồn: Blog Giáo Dục Giới Tính Online
 

Xem tuổi dậy thì và những thay đổi  về tâm lý ở NAM

Dậy thì sớm ở bạn Nữ

Dậy thì muộn ở bạn Nữ

Cấu tạo cơ quan sinh dục Nữ

Sự phát triển của vú

Hiện tượng kinh nguyệt

Rối loạn king nguyệt và kinh thưa

Hiện tượng vô kinh

Rông kinh, rong huyết và thống kinh

Cường kinh, thiểu kinh và hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh

Thủ dâm ở Eva

 

Leading Cloud Surveillance, Recording and Storage service; IP camera live viewing

Leading Enterprise Cloud IT Service; cloud file server, FTP Hosting, Online Storage, Backup and Sharing

Powered by FirstCloudIT.com, a division of DriveHQ, the leading Cloud IT and Cloud Surveillance Service provider since 2003.