Quả chuối: Thức ăn và vị thuốc Ðông - Tây y

Trở về trang đầu

Chuối có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là chuối tiêu được trồng khắp nơi ở nước ta và cho quả quanh năm. Tiếp đến là chuối Tây (có nơi gọi là chuối Sài Gòn) mới di thực vào nước ta từ khi người Pháp tới xâm chiếm. Chuối không những là loại quả thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là vị thuốc rất quan trọng trong y học cổ truyền phương Ðông lẫn y học hiện đại.

        CHUỐI VỚI Y HỌC ÐƯƠNG ÐẠI

        Về giá trị dinh dưỡng, một quả chuối chín vàng trung bình có khoảng 1,5g protein, 23g glucid..., tạo ra khoảng 100Kcal, 25% khẩu phần vitamin B6 và 15% khẩu phần vitamin C. Ngoài ra nó còn có các vitamin khác như: B1, B2, PP, Caroten... và các chất khoáng Calci, Phosphore, sắt..., nhưng đặc biệt Kali nhiều tới 450mg. Ở các nước Âu, Mỹ, với người bị bệnh tiêu chảy, nhiều bác sĩ thường khuyên ăn chuối. Chuối giúp dễ tiêu hóa, bồi bổ cơ thể và không làm xót ruột. Nó kích thích tái tạo tế bào niêm mạc dạ dày, tăng tiết chất nhầy, có tác dụng bảo vệ niêm mạc và làm lành các vết loét dạ dày. Chất pectin trong chuối làm nhẹ bớt triệu chứng của tiêu chảy và còn có thể phòng ngừa được ung thư ruột. Quả chuối chín là món ăn lành tính dễ tiêu, giảm buồn nôn... Chuối còn có tác dụng phòng và chữa bệnh cao huyết áp, do có hàm lượng Kali cao và giàu pectin nên có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, chống xơ vữa động mạch.

        Về tác dụng chống ung thư, giáo sư Sany, trường Ðại học Tokyo (Nhật Bản) đã tiến hành so sánh hoạt tính miễn dịch của rất nhiều loại quả, và đi đến kết luận quả chuối tiêu có khả năng miễn dịch cao nhất, nó có thể làm tăng bạch cầu, tăng khả năng của hệ miễn dịch và sinh ra chất INF có tác dụng tiêu diệt các tế bào khác thường. Hiện nay các nhà khoa học Nhật đang cố gắng tìm ra hoạt chất chống ung thư trong quả chuối để có thể sản xuất thuốc chữa trị ung thư mà không gây phản ứng phụ.ụ.

        Một số nhà khoa học Mỹ ở trường Ðại học Johns Hopkins cho rằng lượng Natri tăng sẽ làm tăng lượng nước giữ lại trong cơ thể và gây tăng huyết áp, còn Kali trong cơ thể thì tạo thuận lợi trong quá trình loại bỏ Natri. Kali lại có nhiều trong chuối, họ tính toán một người bệnh cao huyết áp cần ăn 5 quả chuối/ngày (được khoảng 2.300mg Kali) để chữa trị bệnh này.
Ðiều lý thú là ở Ấn Ðộ cũng có công trình nghiên cứu về việc ăn chuối để điều trị bệnh cao huyết áp. Nhưng cơ sở lý luận thì khác người Mỹ. Theo nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Ấn Ðộ, chỉ cần ăn 2 quả chuối/ngày sẽ giúp huyết áp giảm xuống sau một thời gian ngắn. Một số người tình nguyện thuộc trường Ðại học Manipal (miền Nam Ấn Ðộ) đã thực hiện một chế độ ăn chuối như trên và chỉ sau một tuần, huyết áp của họ đã giảm được 10%. Nguyên lý của hiện tượng này, theo các nhà khoa học Ấn Ðộ là do trong chuối có chứa một hợp chất có tác dụng ức chế enzyme chuyển đổi angiotensine I (gồm có 10 acid amin) sang chất angiotensine II (gồm có 8 acid amin). Angiotensine II là chất gây co mạch máu làm tăng huyết áp... Các nhà nghiên cứu Ấn Ðộ cho biết họ đã tìm thấy chất có tác dụng ức chế nói trên trong 6 loại chuối, đặc biệt trong chuối chín có nhiều hơn. Do chuối có tác dụng làm giảm huyết áp nên người ta khuyên những bệnh nhân cao huyết áp đang phải dùng thuốc hạ huyết áp không nên ăn chuối để tránh sự cộng đồng tác dụng.

        Trong quả chuối chín còn chứa một chất đặc biệt giúp cho não người sản sinh ra chất hydroxylamin làm giảm nhẹ tâm trạng lo lắng, buồn phiền. Do đó những người bị stress, xúc động mạnh, buồn bực quá mức nên ăn 2-3 quả chuối/ngày sẽ có tác dụng tốt.

        Chuối còn được nghiên cứu trong lĩnh vực da liễu. Người ta phát hiện vỏ quả chuối tiêu có chứa một hoạt chất với tác dụng ức chế sự sinh sản, phát triển của vi khuẩn và các loại nấm, được dùng trong việc chữa trị các chứng bệnh mẩn ngứa ngoài da do nấm. Ở Anh, người ta nghiên cứu một loại thuốc điều trị bệnh vẩy nến với tên thương phẩm là Exorex. Thuốc gồm một tá dược làm dịu da chứa 1% hắc ín than đá và một chất từ... vỏ chuối. Nói cho đúng đó là acid béo chiết xuất từ vỏ quả chuối có tác dụng tăng cường hiệu quả của hắc ín. Khác với các thuốc điều trị vẩy nến khác, Exorex không gây bỏng hoặc nhuộm da, dễ được hấp thu và không nặng mùi.

        CHUỐI TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN

        Theo YHCT, chuối có vị ngọt, tính bình, bổ tỳ vị, nhuận tràng lợi tiểu. Trong cuốn "Bản thảo cầu nguyên" có ghi tác dụng chữa bệnh của chuối tiêu là chỉ khát, nhuận phế, giải say rượu, thanh tỳ, hoạt trường...

        Trong y học cổ truyền, chuối thường được dùng chữa một số bệnh sau:

- Chữa trĩ: Lấy 1-2 quả chuối tiêu bỏ vỏ, thái từng miếng, cho thêm chút đường phèn vào hấp cách thủy cho chín, mỗi ngày ăn 1-2 lần, ăn liên tục vài ngày.

- Trị lang ben, hắc lào: Bổ dọc quả chuối tiêu xanh, xát mạnh mặt cắt lên vùng bệnh. Làm nhiều lần.

- Trị mụn nhọt: Chuối tiêu xanh bỏ vỏ, nghiền nát, đắp vào chỗ bị sưng, ngày 2 lần.

- Làm thuốc bổ: Chuối tiêu chín 15 quả bóc bỏ vỏ đem ngâm với 1 lít rượu gạo trong 15 ngày. Dùng 30-35ml/ngày bồi dưỡng cho người cao tuổi, người suy nhược, người ốm mới khỏi bệnh.

        Ở nước ta, nhân dân có kinh nghiệm dùng chuối chữa táo bón cho trẻ em như sau: Lấy 1-2 quả chuối tiêu chín đem nướng trên bếp than cho đến khi vỏ quả ngả màu đen, chín nhũn, mang ra để gần nguội cho trẻ ăn, chỉ sau 10-15 phút sẽ giúp đi tiêu dễ dàng.

        Ngoài ra người ta còn dùng chuối tiêu thái miếng mỏng phơi khô (lấy khoảng 50-60g) kết hợp với trà xanh (10-12g), thêm chút mật ong, tất cả cho vào ấm pha hãm nước sôi như pha trà, có tác dụng nhuận táo, nhuận tràng, giáng áp, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

BS. VŨ HƯỚNG VĂN
(Báo SK&ĐS)

Ăn chuối giúp ngừa bệnh tim

     Những ai trong chế độ ăn hằng ngày thiếu kali thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 50% so với những người kh ác. Thế nên, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Y khoa New York (Mỹ), việc năng ăn chuối có thể giúp giảm nguy cơ bị các cơn đau tim và đột quỵ.

     Căn nguyên là trong chuối có chứa nhiều kali - có tác dụng làm giảm đột quỵ. Ngoài ra, việc ăn nhiều chuối còn rất thiết thực cho những ai thường dùng thuốc lợi tiểu - vốn làm tiêu hao nhiều kali và gây tình trạng huyết áp cao.

Công dụng trị bệnh của quả dứa

     Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho thấy, ăn dứa rất có lợi cho sức khỏe. Theo đó, những ai ăn từ 2-3 lát dứa/ngày (dày khoảng 3cm) có thể ngăn chặn được lượng huyết áp tăng trong máu, tình trạng máu vón cục, chứng vữa xơ động mạch, các cơn đau tim và cả đột quỵ.

     Do quả dứa có chứa nhiều loại enzyme bromelain được xem có công dụng trị bệnh cao. Bromelain còn có tác dụng trị viêm họng, các triệu chứng dị ứng và cả ngăn ngừa ung thư do kích hoạt việc sản sinh các hợp chất chống ung thư như Interleukin 1, Interleukin 6. Dùng chất bromelain với lượng 160 mg/ngày rất hữu hiệu trong việc chữa lành vết thương, giảm chứng phù và nếu dùng 1.200 -1.800 mg/ngày sẽ giảm đáng kể chứng viêm khớp.

Ăn dứa có thể ngừa bệnh cúm

        Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, ăn nhiều dứa có thể giúp ngăn ngừa cúm, do dứa chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch các virus cúm.

        Ngoài ra, dứa ít gây dị ứng hơn so với các loại trái cây có vị chua khác nên những ai bị đau bao tử có thể ăn dứa mà không sợ tích trữ quá nhiều chất axít trong bao tử. Dứa còn giúp thông cổ họng do có tính giải đờm cao. Để trị cúm nên dùng mỗi ngày từ 120-150g dứa, ít nhất 4 lần/ngày.
     Châu Yên (THX)

Ăn khoai lang trắng có thể giảm nguy cơ
mắc bệnh tiểu đường  

     Bác sĩ Bernhard Ludvik và các cộng sự thuộc Trường Đại học Y khoa Vienna (Áo) đã nghiên cứu của việc ăn khoai lang trắng với bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy ăn khoai lang trắng có giảm lượng đường và cholesterol trong máu.

     Ông Bernhard cũng cho biết khoai lang trắng được dùng trong thực đơn của các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ở Nhật Bản. Nghiên cứu được thực hiện trong 12 ngày trên 61 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Họ được chia làm 2 nhóm, một nhóm ăn khoai lang trắng, nhóm còn lại dùng giả dược. Sau một thời gian, lượng đường và cholesterol trong máu của nhóm dùng khoai lang trắng thấp hơn rõ rệt so với nhóm dùng giả dược. Bác sĩ Bernhard khẳng định hiện chưa phát hiện được khoai lang trắng có tác hại gì đối với các bệnh nhân tiểu đường.

Khế

     Khế có tác dụng chữa dị ứng, lở loét, sưng đau, khử các mùi hôi tanh. Khế còn giúp giải khát, chữa viêm lợi.

Khế còn có tên gọi là Dương Ðào, Ngũ Liễm. Cách trồng bằng cách chiết cành vào mùa xuân. Bộ phận dùng lá, hoa và quả. Thu hái, chế biến dùng tươi. Thu hái quanh năm. Công dụng dùng chữa được dị ứng, lở loét, lở sơn sưng đau, làm nước giải khát, trừ các mùi hôi tanh. Liều dùng không kể liều lượng.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1:

- Chữa lở sơn, dị ứng, mẩn ngứa, sưng đau. Lá khế (cả cành non và hoa): 100 - 200 g, nước 4 - 5 lít, đun sôi trong 15 phút, xông và tắm, lá xát lên nơi mẩn ngứa, lở loét.

Bài 2:

Chữa khát háo và bệnh chảy máu chân răng viêm lợi: Nước ép quả khế chua: 50 ml, nước ép quả cam: 50 ml, thêm đường đủ ngọt uống trong ngày.                         Theo tài liệu của Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế)

 

 Dưa hấu chữa bệnh

     Trước nay, dưa hấu được xem là một trong những loại trái cây hết sức thông dụng của mọi gia đình, đặc biệt khi tiết trời trở nên oi bức, nóng nực. Dưa hấu không những ngon ngọt, dễ ăn mà còn cung cấp cho cơ thể một lượng nước khá lớn, không ít các vitamin và nguyên tố vi lượng quý giá. Hơn nữa, trong y học cổ truyền, cả ruột và vỏ dưa hấu còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Công dụng của dưa hấu theo y học cố truyền

Giá trị của quả dưa hấu đã được dân gian đúc kết qua câu: "Nhiệt thiên lưỡng khảm qua, dược vật bất dụng qua" (Trời nóng ăn hai quả dưa thì không cần phải uống thuốc) và coi dưa hấu là "Hạ quý thủy quả chi vương" (Vua của trái cây mùa hè). Các y thư cổ như Bản thảo phùng nguyên, Tùy tức cư ẩm thực phổ, Nhật dụng bản thảo... đều cho rằng dưa hấu có công dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi tiểu tiện và được dùng để chữa nhiều chứng bệnh như mụn nhọt, viêm loét miệng, phù do viêm thận, tiểu đường, cao huyết áp, lỵ, say nắng, say nóng, giải độc rượu... Thậm chí còn coi dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa tựa như cổ phương trứ danh Bạch hổ thang.

Các cách chế biến dưa hấu điển hình

Trong đời sống hàng ngày, nhiều người tỏ ra rất lúng túng không biết nên chế biến và dùng dưa hấu thế nào để vừa đạt hiệu quả giải khát lại vừa đáp ứng tối đa nhu cầu dùng làm thuốc trong ăn uống. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu một số cách chế biến điển hình để bạn đọc tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Cách 1: Dưa hấu 1.500g, muối ăn lượng vừa đủ. Dưa rửa sạch, bổ đôi, nạo lấy phần ruột rồi gói vào khăn vải sạch, ép lấy nước; Vỏ dưa cạo bỏ vỏ xanh, thái vụn rồi cũng ép lấy nước (nếu có máy ép thì càng tốt); Hòa hai thứ nước lại với nhau, pha thêm chút muối, dùng làm đồ giải khát. Công dụng: Tiêu phiền, giải độc, làm hết khát. Người bị viêm nhiễm, mụn nhọt, cao huyết áp dùng rất hữu ích.

Cách 2: Dưa hấu 1 quả, chuối tiêu 3 quả, mật ong 100g. Rửa sạch dưa, dùng dao cắt ngang dưới núm một miếng để làm nắp, lấy thìa đánh nhuyễn phần ruột đỏ. Chuối bóc vỏ, thái vụn rồi cho cùng mật ong vào trong lòng quả dưa, tiếp tục đánh nhuyễn, đậy nắp, để vào tủ lạnh chừng 3 giờ là dùng được. Ðây là món giải khát thơm ngon, lại giàu chất dinh dưỡng, có công dụng bồi bổ, nhuận tràng, thông tiện. Theo y học cổ truyền, chuối (hương tiêu) vị ngọt, tính mát, có khả năng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân dịch và làm hết khát.

Cách 3: Dưa hấu 1.500g, mật ong 30g, chanh 100g, rượu hoa quả 50ml. Dưa rửa sạch, dùng máy ép lấy nước rồi vắt chanh và cho mật ong cùng rượu vào quấy đều. Công dụng: Tiêu khát giải thử, sử dụng để giải khát mùa hè rất tốt. Theo y học cổ truyền, chanh vị chua ngọt, tính mát, có công năng sinh tân chỉ khát, thanh nhiệt giải thử, hóa đàm chỉ khái. Dinh dưỡng học cổ truyền thường dùng chanh phối hợp với dưa hấu hoặc nước mía để chế các loại nước giải khát thanh nhiệt trong mùa hè.

Cách 4: Dưa hấu 500g, mía 200g, đường phèn 20g. Dưa rửa sạch, bỏ vỏ và hạt, thái miếng; Mía róc vỏ, chẻ nhỏ. Hai thứ cho vào máy ép lấy nước, chế thêm đường phèn, uống hàng ngày. Công dụng: Thanh nhiệt lợi niệu, làm khỏe thận, chống nôn và giải độc rượu. Ðây là loại nước giải khát rất tốt và hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa ngọt mát. Theo y học cổ truyền, mía vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát, hòa trung nhuận táo, thường được dinh dưỡng học cổ truyền sử dụng cho những bệnh nhân bị các chứng bệnh như say rượu, ho và viêm hầu họng do phế âm hư, nôn và buồn nôn do bệnh lý dạ dày tá tràng, táo bón...

Cách 5: Vỏ dưa hấu 150g, khổ qua (mướp đắng) 50g, bí đao 50g. Vỏ dưa hấu gọt bỏ vỏ xanh, thái vụn; Khổ qua và bí đao đều gọt vỏ bỏ ruột rồi thái vụn. Tất cả cho vào máy ép lấy nước, có thể cho thêm chút đường phèn, hòa tan rồi dùng làm nước giải khát. Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát; Dùng làm đồ uống mùa hè rất tốt, đặc biệt với những người bị tiểu đường, mụn nhọt, viêm đường tiết niệu, béo phì... Theo y học cổ truyền, khổ qua vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải thử, giải độc minh mục. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh khổ qua có khả năng làm hạ đường huyết ở những bệnh nhân bị tiểu đường. Bí đao vị nhạt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt hóa đàm, trừ phiền chỉ khát, lợi thủy tiêu thũng, giúp cơ thể trở nên thon thả, da dẻ tươi sáng.

Cách 6: Vỏ dưa hấu 150g, bách hợp 50g, lê 100g, đường phèn 10g. Vỏ dưa gọt bỏ vỏ xanh, bách hợp rửa sạch, lê bỏ vỏ và hạt, tất cả thái vụn, cho vào máy ép lấy nước, hòa đường phèn rồi uống. Công dụng: Thanh nhiệt trừ thử, thanh tâm nhuận phế, giải khát. Theo y học cổ truyền, lê vị ngọt, tính mát, có công năng thanh nhiệt sinh tân, nhuận táo hóa đàm, giải rượu; Thường được dùng cho những người bị sốt cao mất nước, tiểu đường, táo bón, viêm nhiễm đường hô hấp, say rượu... Bách hợp vị ngọt đắng, tính hơi lạnh, có công dụng nhuận phế chỉ khái, thanh tâm an thần; Thường được dùng cho những người bị bệnh đường hô hấp, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể sau khi bị các bệnh có sốt cao kéo dài.

Cách 7: Dưa hấu 6.000g, dứa 500g, đường cát 50g, nước đun sôi để nguội 300ml. Dưa bỏ vỏ và hạt, dứa gọt vỏ thái miếng ngâm với nước muối nhạt trong 1 phút, đem hai thứ ép lấy nước cốt, hòa đường, chế thêm nước rồi làm đồ giải khát. Công dụng: Thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát, kích thích tiêu hóa, được dùng làm nước uống lý tưởng trong mùa hè. Theo y học cổ truyền, dứa vị ngọt chua, tính bình, có công năng thanh nhiệt sinh tân, trừ phiền chỉ khát. Loại quả này có mùi thơm và vị ngọt đặc biệt, được dân gian ca tụng là "Bà chúa của các loại hoa quả".

Dưa hấu tuy có tác dụng thanh nhiệt giải khát lý tưởng và chữa trị được nhiều bệnh tật, nhưng khi dùng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều một lần và nhiều lần trong một ngày, đặc biệt là những người tỳ vị vốn đã hư yếu, hay đau bụng đi lỏng và rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, cũng không nên ăn những quả dưa hấu chưa chín, bị hư do để quá lâu và bị giập nát.

(Theo SK&ĐS)

 Quả vải

  Quả vải có tác dụng dưỡng huyết, chữa nặng đầu, chữa sởi đậu không lên, ngoài ra hạt vải còn giúp trị chứng ỉa chảy ở trẻ nhỏ.

     Vải còn có tên là lệ chi - tu hú. Cách trồng: bằng hạt hay chiết cành vào mùa xuân. Bộ phận dùng: quả và hạt. Thu hái, chế biến: quả vải thu hái vào tháng 5-6, dùng ăn tươi hay sấy khô như long nhãn. Công dụng: Cùi vải có tác dụng dưỡng huyết, làm hết phiền khát, nặng đầu. Ăn nhiều đẹp nhan sắc, làm cho sởi, đậu mọc dễ dàng. Hạt vải dùng chữa ỉa chảy trẻ em, chữa âm nang sưng đau, hòn dái sưng đau. Liều dùng: Cùi quả vải khô 16-20g/ngày; hạt vải 5-12g/ngày.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa đậu sởi không mọc. Cùi vải: 16 g sắc với 100 ml nước uống trong ngày.

Bài 2: Chữa hòn dái sưng đau. Hạt vải 8g; hạt quýt 8g; hạt thì là (tiểu hồi hương) 4g. Các vị sao thơm, sắc với 100 ml nước uống trong ngày. Uống liên tục đến hết sưng đau thì thôi. Khi uống có thể thêm ít đường cho dễ uống.

Theo tài liệu của Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế)

 

   

Trở về trang đầu


Leading Cloud Surveillance, Recording and Storage service; IP camera live viewing

Leading Enterprise Cloud IT Service; cloud file server, FTP Hosting, Online Storage, Backup and Sharing

Powered by FirstCloudIT.com, a division of DriveHQ, the leading Cloud IT and Cloud Surveillance Service provider since 2003.