Các bệnh lý do mang giày dép không phù hợp

Trở về trang đầu

Theo một điều tra ở Mỹ năm 2003, hơn nửa số ca bệnh lý bàn chân có nguyên nhân là mang giày dép không phù hợp (về kiểu dáng, kích cỡ, mục đích, chất liệu...). Trong đó, 1/3 phải phẫu thuật, 1/5 dùng biện pháp khác. Số còn lại phải chịu đựng đau đớn mà không tìm cách hoặc biết cách giải quyết.

Có rất nhiều dạng bàn chân. Vì vậy, một kiểu giày có khi thoải mái với người này nhưng lại gây đau cho người khác. Bàn chân Hy Lạp được coi là phù hợp và dễ mang hầu hết các loại giày, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 16%. Còn bàn chân kiểu Ai Cập tương đối dễ tổn thương do giày dép lại chiếm đa số (56%). Riêng nhóm bàn chân hỗn hợp và bàn chân Giao Chỉ - đặc trưng của người Việt Nam -được mệnh danh là “mối thảm họa” đối với các nhà làm giày.

Một đôi giày được xem là phù hợp khi nó bảo vệ được bàn chân, không gây đau hay trở ngại trong khi hoạt động (mỗi loại hoạt động cần có loại giày khác nhau), đồng thời vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ.

Bệnh lý do mang giày không phù hợp với hình dạng bàn chân

Việc mang giày không tương thích với hình dạng bàn chân có thể gây đau ở các vùng khác nhau như gót, cổ chân, các ngón; thậm chí ở cẳng chân, khớp gối hoặc vùng thắt lưng do làm tăng áp lực đến các cơ bắp. Có thể dễ dàng nhận biết là mình đã mang giày không thích hợp khi có các nốt chai bất thường xuất hiện ở gót chân, vùng bàn chân tiếp giáp các ngón, trên mặt lưng các ngón chân... Các nốt chai này lâu ngày có thể bị loét hay nhiễm trùng và đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh tiểu đường.

Người thường xuyên mang giày cao gót, nhất là kiểu mũi nhọn, thường bị bệnh lý viêm lớp cân mạc lòng bàn chân do bị căng giãn quá mức, hoặc viêm và biến dạng khớp ngón chân cái và ngón út (thành một góc nhọn). Tình trạng tăng cân quá mức sẽ làm bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.

Ngoài ra, khi mang dép hay giày quá rộng, do bị cọ xát thường xuyên hoặc bàn chân lỏng lẻo không được giữ chắc trong giày nên chân dễ bị viêm, chấn thương (như bong gân). Các đầu ngón chân sẽ quặp xuống như ngón chân chim vì phải gắng sức để bấu chắc vào mặt đất khi di chuyển.

Người ta còn thấy có mối liên quan giữa chứng thoái hóa khớp gối và những phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót trên 5 cm.

Các bệnh do sử dụng giày không đúng mục đích

Việc sử dụng giày không phù hợp (như dùng giày thông thường để chạy bộ, giày tập thể dục trong nhà để đá bóng) hoặc buộc dây giày quá chặt, quá lỏng sẽ khiến chân bị đau, dễ té ngã, chấn thương, gãy xương do mỏi, viêm hay tổn thương các gân và dây chằng.

Bệnh lý do nguyên phụ liệu

Móng chân có thể bị teo hoặc ăn sâu trong khóe, bị nhiễm nấm do giày ẩm ướt, kém thoáng khí, chàm dị ứng do dị ứng với nguyên liệu chế tạo giày. Nguyên liệu nếu quá thô cứng sẽ làm tổn thương da trực tiếp, nếu quá mềm sẽ không bảo vệ được da trước các tác nhân gây hại bên ngoài. Một số nguyên phụ liệu gây kích ứng da.

Nguyên liệu kém thoáng khí, kém hút ẩm hay có nhiều khoang lỗ nhỏ có thể là ổ chứa vi trùng hay vi nấm, dễ tạo mùi hôi.

Bệnh lý do giày ở các đối tượng đặc biệt

- Trẻ em: Giày dép không phù hợp sẽ cản trở sự hoạt động và phát triển của cơ bắp, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của khung xương.

- Người cao tuổi: Thường có vấn đề về mắt và xương khớp nên dễ bị trượt ngã, chấn thương.

- Người bệnh tiểu đường: Bệnh lý bàn chân tiểu đường do biến chứng thần kinh, dễ bị nhiễm trùng khi bị vết thương ngoài da.

Một đôi giày tốt phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Tôn trọng một số quy tắc về kỹ thuật trong thiết kế và sản xuất.

- Nguyên vật liệu an toàn, ít kích ứng, hút ẩm tốt; đủ độ cứng chắc để bảo vệ nhưng cũng đủ mềm, nhẵn để không gây tổn thương da (các nguyên vật liệu tự nhiên như da được coi là tốt nhất)

- Đế cứng chắc, có độ bám.

- Ít trơn trượt.

- Có kèm các phụ liệu như miếng lót đế, chêm hay đệm mũi và gót.

- Với trẻ em lứa tuổi mới tập đi, giày phải thật mềm, chỉ cho trẻ đi trên thảm êm trong nhà. Ở tuổi đi học, đế cứng và dày hơn nhưng phải thật dẻo để phù hợp với sự hiếu động của trẻ.

- Với bệnh nhân tiểu đường, viêm khớp mãn tính, nên chọn giày mềm, êm, thật vừa vặn và có hình dạng thích hợp, nhất là khi đã có biến dạng bàn chân.

- Với người chơi thể thao, đế giày phải dẻo, dày, vừa vặn, ôm sát vùng cổ chân, có giảm xóc, dây buộc vừa phải.

Một số vấn đề cần lưu ý về sử dụng giày dép

Đa số mọi người đều nghĩ rằng bàn chân mình không thay đổi sau tuổi dậy thì và luôn mang trong đầu một con số cố định cho cỡ chân của mình. Ở Mỹ, 25% số người được phỏng vấn không hề nhớ mình đã tự đo hay được đo cỡ chân lần cuối cùng lúc nào. Vì vậy, có đến 72% không mang đúng cỡ giày. Trong khi đó, các khảo sát cho thấy khoảng 4-7% dân số cần mang những loại giày đặc biệt phù hợp với hình dạng bàn chân của mình. Cỡ giày đúng với bàn chân phải được lưu ý cả về chiều dọc lẫn chiều ngang của bàn chân như sau:

- Chiều dài: Đo từ gót đến ngón dài nhất + 2/3 cm.

- Chiều ngang: Phần rộng nhất của giày ứng với số đo từ ngón cái đến ngón út ở đoạn tiếp giáp giữa các ngón với phần mu bàn chân.

Chiều cao gót không được quá 5 cm, chiều rộng gót 2 cm, góc sườn (độ dốc) vừa phải, phần mũi giày có độ hếch hợp lý với bước chân đi.

Nên đi mua giày vào buổi chiều. Kiểm tra độ chắc và co giãn của đế bằng cách gập và vặn vùng này. Thay đổi giày ít nhất 2 ngày/lần. Nên để giày ở nơi thoáng khí ít nhất 8 tiếng trước khi cất vào tủ hay hộp. Thay tất mỗi ngày.

Bỏ những đôi giày gây đau chân. Giữ vệ sinh tốt cho bàn chân, rửa chân và thường xuyên giữ chân khô ráo.

 

BS Thái Thị Hồng Ánh
(Sức Khỏe & Đời Sống)

   

Trở về trang đầu


Leading Cloud Surveillance, Recording and Storage service; IP camera live viewing

Leading Enterprise Cloud IT Service; cloud file server, FTP Hosting, Online Storage, Backup and Sharing

Powered by FirstCloudIT.com, a division of DriveHQ, the leading Cloud IT and Cloud Surveillance Service provider since 2003.