Chữa bệnh bằng cây rau dền

Trở về trang đầu

Rau dền có 2 loại: trắng và đỏ. Ngoài tác dụng làm món ăn, cả 2 loại rau này đều là những vị thuốc hay. Rau dền vị ngọt, tính lạnh, không độc, giúp dễ sinh, trị lở môi, lở loét do sơn ăn và sát trùng, khử độc nọc ong, rắn.

Trong Đông y, rau dền có thể dùng trong các trường hợp sau:

- Trị chứng máu nóng sinh kiết lỵ, lở loét: Bệnh này xuất hiện do bên trong quá nóng mà sinh ra bị kiết lỵ, lở loét hoặc bị cả 2 bệnh trong cùng một thời gian. Dùng rau dền đỏ luộc chín tới, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi ngày ăn khoảng 15-20 g, ăn trong vài ngày là khỏi. Nếu mắc chứng ho lâu ngày, dai dẳng không khỏi thì bài thuốc này cũng trị được.

- Trị rắn cắn: Lấy rau dền đỏ giã nát, vắt lấy khoảng 1 bát nước cho uống, còn bã đắp lên vết thương. Khi bị rắn cắn, phải lập tức băng chặt (bằng dây chun hoặc dây vải) phía trên vết cắn (phía gần với tim hơn) rồi mới dùng thuốc. Sau đó, phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.

- Chữa vết ong đốt: Nếu bị ong đốt (nhất là giống ong to có độc) thì lấy rau dền vò nát, xát cả vào vết đốt là khỏi.

Lưu ý: Không nên ăn thịt ba ba cùng với rau dền vì theo Đông y, việc 2 thứ này kết hợp với nhau có thể gây độc. Gặp trường hợp này, cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.

BS Ngọc Khôi
(Sức Khỏe & Đời Sống)

 

Một số bài thuốc từ tía tô

Người già và người suy nhược nếu bị táo bón có thể lấy hạt tía tô và hạt hẹ mỗi thứ khoảng 15 g, giã nhỏ, chế thêm một bát nước khuấy đều rồi chắt lấy nước cốt nấu cháo ăn. Hiệu quả khá rõ rệt.

Các bài thuốc khác:

- Trị chứng cảm cúm, ho nặng: Nếu bị chứng cảm cúm, mồ hôi không ra, ho đến tức ngực thì nấu cháo múc ra một bát còn nóng rồi trộn đều 10-12 g tía tô đã rửa sạch, thái nhỏ cho người bệnh ăn, sau đó trùm kín chăn cho toát mồ hôi ra thì khỏi. Cũng có thể lấy lá tía tô tươi 20 g, rửa sạch, giã thật nát, cho thêm nước sôi vào rồi chắt gạn lấy khoảng 100 ml nước trong uống, rất công hiệu.

- Trị chứng đầy bụng, bí tiểu: Nếu như bị chứng tiểu tiện không thông, bụng dưới đầy trướng thì lấy khoảng 2 kg tía tô cả cây (cành, lá, hoa, hạt) cho vào nấu rồi xông vào phần bụng dưới (nguội thì đổ thêm nước sôi) sau đó dùng vải bọc muối rang nóng chườm vào những chỗ trướng và rốn. Sẽ thông tiểu ngay, chỗ đầy trướng cũng xẹp dần xuống.

Nếu thấy tự nhiên bụng đầy trướng rất đau thì lấy một nắm lá tía tô giã nát rồi gạn lấy nước, hòa thêm vào một ít muối uống hết một lần. Nếu thấy bị nôn và đi tiêu là hết đau trướng.

- Trị chứng hen suyễn: Lấy khoảng 50 g hạt tía tô, sao qua, tán thành bột mịn rồi nấu cháo với gạo tẻ, ăn vào lúc đói. Lưu ý: Không ăn cá chép với tía tô vì dễ bị sinh mụn nhọt.

BS Ngọc Khôi
Sức Khỏe & Đời Sống
 

Cỏ roi ngựa
Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu

Là loại cỏ sống dai, mọc thành bụi, cao 50-70cm. Thân vuông, lá mọc đối, lá dài 4-8cm, chia thùy hình lông chim, cuống lá ngắn. Hoa mọc thành chùy ở ngọn, gồm nhiều bông mọc trên những que dài 15-0cm. Tránh nhầm cỏ roi ngựa với cây cỏ xước vì quả cây cỏ xước dính vào quần áo, quả roi ngựa thì không dính.

Cỏ roi ngựa có tính vị đắng, mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, hoạt huyết. Bộ phận dùng làm thuốc: cả cây, lá và rễ. Tất cả đem phơi khô.

Liều dùng: 15-30g, nấu uống. Nếu bị cảm sốt dùng cỏ roi ngựa 20g; Lá tre 50g; Lá chanh 20g; cành và lá cúc tán 20g. Nấu uống.

Bị viêm đường tiết niệu dùng cỏ roi ngựa 20g; Kim ngân hoa 10g; Liên kiều 20g; Rau diếp cá 10g. Nấu uống.

BS Huỳnh Ngọc Tụng
(TGPN)

Các món dược thiện từ ốc

Canh ốc lá vang nấu cùng ớt hiểm, khế chua ăn với bún trong những buổi trưa hè là phương thuốc phục hồi sức khỏe nhanh chóng, giúp khí huyết thông suốt. Nhờ đó, bạn sẽ lấy lại được sự hăng say trong buổi chiều làm việc.

Ốc nước ngọt còn gọi là ốc đồng, ốc vàng, danh oa. Thịt ốc tính hàn, vị ngọt, thành phần chủ yếu là chất đạm, mỡ, cacbua hydrrat, canxi, photpho, sắt, các sinh tố B2, PP, A... Đông y dùng ốc luộc để chữa vàng da, phù thũng, bệnh gan, thủy đậu, trĩ, nhiễm trùng... Có thể chế biến ốc thành nhiều món ăn rất tốt cho sức khoẻ.

Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, người có vết loét lâu không lành... nên kiêng hoặc hạn chế ăn ốc.

Một số món ăn bổ dưỡng từ ốc:

- Ốc hấp lá gừng: Thịt ốc băm kỹ, trộn với giò sống, cuốn một vòng lá gừng non, nhồi vào vỏ ốc, hấp cách thuỷ. Sự kết hợp giữa tính hàn của ốc và tính nóng của gừng giúp duy trì sự cân bằng cho cơ thể, bồi bổ thêm nhiều chất dinh dưỡng, làm tăng cường sức khỏe bền lâu.

- Ốc nấu giả ba ba: Nấu như món ốc bung cùng thịt ba chỉ, chuối xanh, đậu phụ nướng, thêm tía tô... Có tác dụng làm ấm người, dưỡng huyết, bổ âm, ích vị, thông khí, chữa suy nhược cơ thể.

- Ốc bươu áp lửa: Ốc nấu chín trong nước; cây sả đập dập hòa gia vị, đổ nước hỗn hợp gia vị vào miệng ốc, nướng cạn trên bếp than hồng, giúp cho vị ốc dai giòn, thơm đậm, bổ dưỡng vô song.

- Ốc xào rượu: Có thể xào ốc với khế, rượu, chấm với xì dầu trộn lẫn gừng băm nhỏ và mì chính. Nước ốc có lẫn rượu có thể trút ra cốc để uống cùng món nhắm. Món ốc này có tác dụng ích thận, tráng dương, thanh nhiệt, lợi tiểu.

- Giò ốc: Ốc luộc chín, khêu phần miệng, xào với tiêu, gừng, mì chính, mộc nhĩ, nấm hương và thịt thủ lợn, để nguội rồi gói trong khuôn sắt lót lá chuối. Giò ốc nén càng chặt càng ngon. Sau khi luộc giò, bỏ khuôn sắt, lại bó thanh giò bằng 8 thanh tre cật cho thật chặt.
Người xưa dùng giò ốc để trị chứng hoàng đản, thần kinh suy nhược, khí huyết không đủ, phù thũng, lao hạch...

(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)

Củ súng chữa di mộng tinh  

Dân gian thường lấy củ súng làm thuốc, gọi là khiếm thực nam, dùng mỗi ngày 10-20 g sắc, tán bột hoặc làm viên uống. Nó được sử dụng làm thuốc bổ, an thần, chữa bạch đới, tê thấp và đặc biệt là di mộng tinh. Hầu hết các đơn thuốc chữa di mộng tinh đều có vị này.

Những người mắc chứng di mộng tinh do tâm hỏa vượng (biểu hiện: mộng thấy giao hợp rồi xuất tinh, đầu mặt xây sẩm, lưng đau, người mỏi mệt, gầy yếu, chất lưỡi đỏ) có thể dùng bài thuốc có khiếm thực nam (củ súng) sau: Khiếm thực nam, hạt hòe, hạt sen mỗi thứ 16 g, quả dành dành (sao đen) 12 g, tâm sen 8 g, thục địa và đậu đen sao vàng mỗi thứ 20 g. Cho các vị vào ấm, đổ 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia làm hai lần uống trong ngày.

Củ súng cũng được dùng làm món ăn bài thuốc để tăng sức khỏe, mạnh gân cốt, chữa di mộng tinh, bồi bổ khí lực. Nguyên liệu gồm:

- Củ mài (hoài sơn) tươi, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước 2 giờ, đồ lên, thái lát để nấu. Nếu mua củ khô bán ở các hiệu thuốc cũng phải ngâm 2-3 giờ cho hết chất chua (vì củ mài chế thành hoài sơn có ngâm nước phèn và diêm sinh).

- Hạt sen: Bóc vỏ, thông tâm.

- Củ súng: Rửa sạch, thái lát.

- Vừng đen: Làm sạch, sao qua cho có mùi thơm.

- Đậu đen: Rửa sạch.

Các vị trên lượng bằng nhau, đem nấu cháo, ăn thay cơm lúc còn nóng. Mỗi tháng ăn từ 2 đến 4 lần, dùng lâu càng tốt.

BS Hoàng Lan
(Sức Khỏe & Đời Sống)

Rau má lá sen
Có nhiều sinh tố, chất khoáng cần thiết cho sức khỏe

Rau má lá sen có thân mọc bò sát đất. Ở mỗi mắt có nhiều rễ và cho ra 1-2 lá vươn thẳng lên. Cuống lá dài 15-20cm. Lá hình lọng, phiến lá tròn, mép lá có răng cưa tai bèo, cuống lá đính ở giữa chứ không phải ở mép lá như loại rau má thường. Hoa nhỏ, cánh hoa trắng.

Công dụng:

Rau má lá sen có thể trồng để làm cảnh, phủ lên gốc các cây cảnh vì lá của nó rất đẹp.

Rau má lá sen còn dùng để làm rau ăn sống, luộc, nấu canh, xào hoặc dùng để xay sinh tố rất ngon và bổ dưỡng vì trong cây rau má lá sen có nhiều sinh tố, chất khoáng và vi lượng cần thiết cho sức khỏe con người.

DS. Phan Đức Bình
(TGPN)

Chanh: Vị thuốc thần kỳ

Từ 3 nghìn năm trước, con người đã biết đến tác dụng chữa bệnh của quả chanh - vị thuốc tốt nhất trong họ cam quýt. Vào thời Trung cổ, người ta tin rằng loại quả này có thể ngừa bệnh dịch hạch và chữa rắn cắn. Sử dụng mỗi ngày vài miếng chanh là cách phòng stress hiệu quả nhất.

Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng tỏ chanh có khả năng củng cố hệ miễn dịch và mạch máu, làm cho quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh hơn và tăng cường chuyển canxi vào xương và răng. Nó còn kích thích hoạt động tiết dịch dạ dày, tăng cường tiêu hóa thức ăn, cải thiện trạng thái của mô liên kết, tóc và móng, hãm chảy máu lợi, đặc biệt làm cơ thể sảng khoái và khắc phục tình trạng thừa cân.

Trong y học dân tộc, chanh được dùng để trị hoại huyết, vàng da, phù nề, phong thấp, sỏi thận, thống phong, viêm dạ dày với độ axit thấp, ho lao. Do quả chanh có lượng lớn vitamin C, nên người ta thường dùng chanh để làm mau liền vết thương và chỗ gãy xương. Có thể dùng nước chanh để súc miệng khi bị viêm họng và niêm mạc. Rửa bằng nước chanh giúp khắc phục bệnh nấm trên da, eczema, trĩ mạn tính và hoại thư. Nước chanh còn có tác dụng làm mềm và trắng da.

Mỗi ngày dùng vài miếng chanh sẽ giúp ngăn ngừa stress. Có thể pha nước chanh theo cách: vắt 3 quả chanh, trộn với 3 thìa mật ong và uống hết ngay. Thức uống này sẽ giúp nhanh chóng hồi phục sức lực sau khi cơ thể phải chịu tải trọng nặng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bungary, người ta trộn nước chanh vắt, mật và dầu hướng dương với tỷ lệ 1:2:0,5; uống mỗi sáng một thìa cà phê khi còn đói sẽ giúp trẻ mãi.

(Theo KH&ĐS)

Phấn hoa chữa bệnh

Phấn hoa thực chất là những tế bào sinh sản giống đực của các loài hoa được ong thu lượm. Phấn hoa có giá trị dinh dưỡng rất cao, thậm chí còn hơn cả những thực phẩm như trứng, sữa...

Công dụng của phấn hoa:

Phấn hoa có chứa protein, axit amin, carbonhydrate, nhiều chất khoáng như K, Ca, Na, S, Cu, Fe... và vitamin như B1, B2, B3, B6, A, D, E...

Theo y học cổ truyền, phấn hoa có vị ngọt, tính bình, tác dụng tư bổ cường tráng, ích khí dưỡng huyết và bổ thận. Người ta thường dùng phấn hoa để trị chứng suy nhược, thận tinh bất túc với các triệu chứng mỏi mệt rã rời, bồn chồn, bực bội, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, hay quên, ăn kém, suy giảm tình dục, đau lưng mỏi gối, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, đái đêm nhiều, muộn con, tắt kinh sớm... Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh cho rằng, nếu dùng phấn hoa lâu ngày có thể làm cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, khí lực sung mãn và trẻ lâu.

Nhiều bằng chứng khoa học đã ghi nhận, phấn hoa có tác dụng phòng chống cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày tá tráng, viêm gan, chống lão hóa, chống phóng xạ, tăng cường công năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình tạo huyết, kiện não, bổ tủy, cải thiện trí nhớ, điều tiết nội tiết tố, khống chế tuyến tiền liệt tăng sinh, tăng cường khả năng tình dục, phòng chống ung thư và làm đẹp da.

Người ta thường dùng phấn hoa bằng cách ăn tự nhiên hoặc pha với nước sôi để uống, ngâm rượu và trộn lẫn với mật ong để ăn. Với trẻ em, có thể dùng dưới dạng nấu lẫn với bột hoặc cháo. Cho đến nay, quan điểm về liều lượng phấn hoa mỗi ngày chưa thật sự thống nhất. Phần đông cho rằng, đối với người trưởng thành, tối đa nên dùng 5-10 g, còn trẻ em thì giảm bớt liều, từ 2-3 g/ngày. Trung tâm Nghiên cứu ong trung ương khuyên dùng mỗi ngày 1-2 thìa cà phê, chia làm 2 lần. Nói chung, mỗi ngày nên dùng khoảng 5 g là vừa phải.

Cách bảo quản

Nếu không biết cách bảo quản, phấn hoa sẽ bị giảm dần chất lượng. Tốt nhất nên mua sản phẩm ở những cơ sở chế biến có đủ trang thiết bị để làm khô triệt để, diệt hết vi khuẩn và trứng côn trùng. Khi mua về, cần đóng nắp lọ thật chặt và để trong tủ lạnh sau mỗi lần dùng. Ngoài ra, có thể dùng mật ong hoặc đường trắng để bảo quản: trộn đều phấn hoa với đường theo tỷ lệ 2:1 rồi cho vào lọ, nén thật chặt, phủ lên trên một lớp đường dày khoảng 10-15 cm, bịt kín miệng lọ và để nơi thoáng mát, khô ráo.

(Theo Khoa Học & Đời Sống)

Các bài thuốc từ mật ong

Giúp sáng mắt: Pha một muỗng mật ong vào nước ép cà rốt, uống trước khi ăn sáng khoảng 1 giờ. Loại nước uống này giúp bạn có đôi mắt trong sáng, tia nhìn tinh anh.

Trị đau cổ họng: Uống hỗn hợp mật ong hoà với nước ép gừng sẽ giúp giảm triệu chứng cảm lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi...

Thúc đẩy tuần hoàn máu: Trộn một muỗng nước ép tỏi với hai muỗng thìa mật ong. Dùng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Bài thuốc này giúp thúc đẩy sự tuần hoàn máu trong cơ thể, khiến da dẻ hồng hào, mịn màng hơn.

Giảm béo: Pha một - hai muỗng mật ong với một ly nước ép chanh vào một ly nước ấm. Uống hỗn hợp này mỗi ngày sẽ giúp lọc sạch đường ruột, giúp giảm béo.

Trị hen, suyễn: Trộn 1/2g bột tiêu đen với mật ong và nước ép gừng, uống ba lần/ngày.

(Theo TT&GĐ)

Củ riềng làm thuốc  

Để chữa đầy bụng, nôn mửa, lấy riềng củ, gừng khô, củ gấu phơi khô lượng bằng nhau đem tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4-6 g.

Củ riềng (còn có tên là cao lương khương) và quả hột riềng đều vị cay, tính ấm, làm ấm bụng, chống khí lạnh, thường được dùng để chữa đau bụng, nôn mửa, nấc. Liều dùng 3-10 g đối với củ, hoặc 2-6 g đối với quả.

Một số bài thuốc Nam được dùng trong dân gian:

- Chữa đau bụng lạnh, nôn mửa, tiêu chảy: Riềng, củ gấu, gừng khô liều lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6 g, ngày uống 3 lần.

- Chữa sốt rét cơn, ăn không tiêu, buồn nôn hoặc đau bụng thổ tả: Hạt riềng tán nhỏ, uống 6-10g.

- Chữa hắc lào: Củ riềng già 100 g, giã nhỏ, ngâm với 200 ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi vài lần.

- Chữa ho, viêm họng, tiêu hóa kém: Riềng củ thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần.

(Sức Khoẻ & Đời Sống)

 

   

Trở về trang đầu


Leading Cloud Surveillance, Recording and Storage service; IP camera live viewing

Leading Enterprise Cloud IT Service; cloud file server, FTP Hosting, Online Storage, Backup and Sharing

Powered by FirstCloudIT.com, a division of DriveHQ, the leading Cloud IT and Cloud Surveillance Service provider since 2003.