Rượu thuốc - những điều cần biết

Trở về trang đầu 

Uống rượu thì có hại nhưng uống rượu thuốc điều độ và đúng cách lại có thể tăng cường sức khỏe. Bài viết sau nêu một số điều cần biết trong khi chọn dược liệu và pha chế rượu thuốc.

       Uống nhiều rượu là có hại, điều đó ai cũng biết rõ. Ở đây ta có thể nhắc đến rượu thuốc như là một phương cách tăng cường sức khỏe, bởi có nhiều thứ thuốc phải pha trong rượu hoặc phải ngâm rượu mới rút hết được tinh chất.

Rượu thuốc khá đa dạng

       Theo y học Ðông phương, rượu thuốc có tác dụng tuyên tán dược lực, thông kinh hoạt lạc, ôn thông khí huyết để tới được lục phủ ngũ tạng và tứ chi bách hài. Ðã có nhiều bài rượu thuốc nổi tiếng như: Minh Mạng thang, Qua lâu phỉ bạch bạch tửu thang. Phòng kỷ địa hoàng thang. Ðương quy tứ nghịch gia ngô thủ du sinh khương thang, Trửu hậu bị cấp phương, Thiên kim phương, Thánh tễ tổng lục... Rượu có thể dùng để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Chính vì thế, trước khi dùng rượu thuốc phải được định bệnh rõ ràng và được thầy thuốc chỉ dẫn loại rượu thuốc phù hợp, không gây hại do thiếu hiểu biết. Vậy cần làm sao để chọn được rượu thuốc có chất lượng?

       Trước hết là việc chọn rượu: Dân gian thường dùng rượu trắng được nấu từ gạo, ngô, khoai với nồng độ từ 400 - 6.000 (chấm que tăm vào đem ra châm lửa thấy bốc cháy ngay). Ðộ rượu càng cao thì càng dễ chiết xuất các hoạt chất từ dược liệu thô và dễ bảo quản. Tuy nhiên, khi uống nên pha loãng với nồng độ vừa phải, tùy cơ địa mỗi người.

       Các loại rượu thuốc vẫn bán tại các quán nhậu khó bảo đảm chất lượng vì không rõ xuất xứ hoặc nếu là rượu mới nấu sẽ dễ bị ngộ độc bởi hàm lượng aldehyt cao.

Dược liệu để ngâm rượu

       Y học cổ truyền chia ra rất nhiều loại thuốc: thuốc chữa nhức mỏi xương khớp như xuyên khung, thiên niên kiện, ngưu tất, bạch chỉ, độc hoạt, khúc khắc, khương hoạt, rắn... Thuốc bổ máu như hà thủ ô, đương quy, kỳ tử, thục địa, quả dâu... Bổ thận có đỗ trọng, ba kích, ích trí nhân, kim anh, thổ ty tử, khiếm thực, tắc kè, nhung hươu, tục đoạn, rễ cau, dâm dương hoắc... Loại để an thần, dễ ngủ có long nhãn, táo tàu, hạt sen, viễn chí, hà thủ ô... Ðể ngon miệng có kiện tỳ như bạch truật, hoài sơn, hạt sen...

       Các dược liệu đều phải được bào chế nghiêm chỉnh qua các công đoạn: loại bỏ tạp chất, sấy khô, sao vàng, thái lát, nghiền nhỏ, trộn đủ tá dược... đựng vào túi vải buộc kín. Các loại động vật (rắn, trăn, tắc kè, bìm bịp, mật gấu...) phải được mổ và xử lý sạch - đúng tiêu chuẩn. Ðây là yếu tố rất quan trọng để các hoạt chất được chiết xuất ra dễ dàng và bảo đảm hoạt tính.

Pha chế rượu thuốc

       Tùy loại rượu thuốc mà cách ngâm thuốc cũng khác nhau:

   * Có hai phương pháp ngâm:

       - Ngâm lạnh là phương pháp phổ biến nhất và hay dùng với đa số dược liệu. Sau khi chuẩn bị xong bình đựng thì đổ dược liệu vào trong sau đó rót vào một lượng rượu phù hợp (tỷ lệ dược liệu/rượu = 1/5 - 1/10), đậy kín miệng và để ở nơi tối, mát trong 10-15 ngày hay lâu hơn. Nếu nhiệt độ cao, thời gian ngâm có thể ngắn hơn - ngược lại cần để lâu hơn khi trời lạnh.

       - Ngâm nóng thường chỉ dùng cho các dược liệu cứng, chắc, khó chiết xuất và có khả năng chịu nhiệt. Trộn rượu với dược liệu rồi đun cách thủy đến khi sôi thì đổ ngay sang bình ngâm, đậy kín và để 7-10 ngày hoặc trát kín rồi hạ thổ chôn xuống đất vài trăm ngày (thường dùng với các dược liệu là động vật).

   * Phương pháp ủ: Dược liệu được nghiền nhỏ trộn với gạo rồi được nấu chín và ủ men để thành rượu.

   * Phương pháp đun: Dược liệu đã bào chế được trộn với rượu rồi đem nấu trong một thời gian, sau đó lọc bỏ bã để lấy lại dịch chiết.

  * Phương pháp phun: Dược liệu đã bào chế và sao nóng lên, sau đó phun rượu vào thấm đẫm dược liệu. Cuối cùng là vắt, ép bỏ bã để lấy rượu tinh chất đã ngấm dược liệu.

   * Phương pháp tôi: Dược liệu thường là dạng rắn đã bào chế được nung đỏ lên rồi nhúng ngay vào rượu, sau đó lọc bỏ bã để lấy rượu dùng.

       Việc pha chế và sử dụng rượu thuốc, cồn thuốc là cả một nghệ thuật và những hiểu biết về y học không phải ai cũng biết. Trong rượu có nhóm alcol và aldehyt rất hại cho tim, gan, phổi, não... Do vậy cần chọn rượu nấu kỹ và để càng lâu càng tốt vì theo thời gian, aldehyt sẽ tự hủy và rượu trở nên bớt độc hơn. Việc uống rượu thuốc đúng nghĩa là để trị bệnh hay phòng bệnh, do đó mỗi ngày chỉ nên uống ít 10-30 ml tùy bệnh và không nên dùng để nhậu hay liên hoan, tiệc tùng. Những người đang có bệnh dạ dày, bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh phổi, dị ứng, trĩ... thì không nên uống rượu thuốc. Mặt khác, có loại thuốc rượu có tác dụng để xoa bóp, dùng trong các chấn thương, xin chớ dùng nhầm, rất nguy hiểm.

(Báo Thanh niên)

   

Trở về trang đầu


Leading Cloud Surveillance, Recording and Storage service; IP camera live viewing

Leading Enterprise Cloud IT Service; cloud file server, FTP Hosting, Online Storage, Backup and Sharing

Powered by FirstCloudIT.com, a division of DriveHQ, the leading Cloud IT and Cloud Surveillance Service provider since 2003.