NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CÁC BỆNH LTQĐ TD

CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC

Bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs)

     Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm trùng do các tác nhân gây bệnh và truyền từ người này sang người khác qua đường tình dục. Việc phòng tránh STIs là trách nhiệm của mỗi người cũng như của cộng đồng để bảo vệ chính bản thân mỗi người và bảo vệ sự phát triển của xã hội.

Đường lây truyền của STIs

    Ngay từ tên gọi, chúng ta đã có thể biết chính xác đường lây chủ yếu của các bệnh này, đó là thông qua quan hệ tình dục, ở cả ba hình thức:

    - Quan hệ tình dục đường âm đạo: đưa dương vật vào âm đạo

    - Quan hệ tình dục đường miệng: đưa dương vật vào miệng hoặc dùng miệng để mút bộ phận sinh dục

    - Quan hệ tình dục đường hậu môn: đưa dương vật vào hậu môn

    Ngoài ra, một số bệnh lây qua đường tình dục còn có thể truyền từ người này sang người khác thông qua một số đường khác như: từ mẹ truyền sang con, đường máu….

    Tác nhân gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả ba nhóm: vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng.

    Hiện nay, người ta đã tìm thấy khoảng hơn 20 loại bệnh lây qua đường tình dục, như: HIV/AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, hạ cam, trùng roi âm đạo, nhiễm nấm sinh dục, chlamydia…

Phòng tránh STIs như thế nào là hiệu quả?

    Việc hạn chế các hành vi nguy cơ có thể giúp bạn phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể:

    - Hiểu được tầm quan trọng của việc phòng tránh và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

    - Luôn luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh các hoạt động tình dục gây chấn thương như giao hợp đường hậu môn…

    - Quan hệ chung thuỷ, một bạn tình, không quan hệ tình dục với gái mại dâm, với nhiều bạn tình hoặc với bạn tình đang mắc STIs.

    - Tránh quan hệ tình dục khi đang mắc STIs.

    - Phát hiện và điều trị bệnh sớm, triệt để. Khuyến khích bạn tình cùng điều trị.

Làm gì khi nghi ngờ mình hoặc bạn tình mắc STIs?

    Khoảng một nửa số người nhiễm STIs không có triệu chứng gì hoặc có triệu chứng không rõ ràng, có thể tự "biến mất" (nhưng không có nghĩa là khỏi bệnh). Chính vì vậy, nếu bạn hoặc bạn tình có bệnh ở cơ quan sinh dục, nếu đã có quan hệ tình dục với một người mà bạn không biết chắc là có bệnh hay không, hoặc nếu cơ quan sinh dục của bạn hoặc bạn tình có biểu hiện khác thường… thì bạn nên nghi ngờ là mắc bệnh.

    Đặc biệt là nếu bạn thấy có những dấu hiệu bất thường sau đây:

    - Dương vật hay âm đạo có tiết dịch bất thường

    - Cơ quan sinh dục ngứa, đau, rát, đỏ, có các nốt, các vết loét

    - Tiểu đau hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường

    Trường hợp này bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu tại các bệnh viện đa khoa Tỉnh/ Thành phố hoặc Viện da liễu. Đây là những cơ sở y tế có điều kiện xét nghiệm tốt, cán bộ y tế có trình độ, do đó việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác. Bạn tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị lấy, vì có thể triệu chứng giống nhau nhưng không có nghĩa là mắc cùng một bệnh, do đó nếu không dùng thuốc đúng bệnh có thể nặng hơn hoặc dẫn đến hiện tượng "nhờn thuốc", khiến cho bệnh trở nên không chữa được. Khi được bác sỹ chẩn đoán và điều trị, bạn cũng cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, dùng đúng liều, đúng thời gian và đi khám lại theo đúng hẹn.

    Đồng thời, một trong những yếu tố giúp cho việc điều trị các bệnh STIs hiệu quả là điều trị cả bạn tình. Do đó, việc trao đổi và khuyến khích bạn tình tham gia khám và điều trị là rất cần thiết, tránh để tình trạng bệnh lây đi lây lại, khó chữa.

HIV có thể lây truyền từ người này sang người khác theo ba con đường chính:

     Đường tình dục

    Xác suất lây truyền qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm HIV (không sử dụng biện pháp bảo vệ) là 1/1.000 đến 1/100 (được tính trên quần thể). Nhưng với từng cá nhân có hành vi tình dục không bảo vệ thì xác suất lây nhiễm HIV luôn là 1 hoặc 0. Do vậy, cách tự biện minh cho hành vi nguy cơ của mình là 100 lần quan hệ mới có thể nhiễm virus là hoàn toàn sai lầm và nguy hại. Khả năng lây nhiễm này sẽ tăng gấp nhiều lần, nếu một trong hai người bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: Lậu, giang mai, sùi mào gà, nấm, Herpes...

    HIV có thể lây truyền qua tất cả các cách giao hợp, nhất là các cách giao hợp gây xây xước hoặc có thương tổn từ trước (qua đường hậu môn, giao hợp dương vật miệng có tổn thương dương vật và chảy máu chân răng). Hướng lây nhiễm trong quan hệ tình dục đường miệng từ tinh dịch, dịch tiết âm đạo đến môi miệng người dùng miệng nếu có tổn thương. Hướng ngược lại cũng có thể xảy ra nhưng ít hơn.

    Chúng ta không thể biết được một người nào đó có nhiễm HIV hay không bằng mắt thường vì vậy nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên đáng kể nếu quan hệ tình dục với nhiều người.

    Đường máu

    HIV có thể lây truyền qua truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu bị nhiễm HIV. Dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô trùng hoặc không đảm bảo nguyên tắc khi khử trùng hoặc vô trùng như: Bơm kim tiêm, kim châm cứu, kim xăm mình, xăm lỗ tai,… Những người sử dụng chất gây nghiện đường tiêm chung bơm kim tiêm thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao.

    Từ mẹ sang con

    Người mẹ bị nhiễm HIV có khả năng truyền cho con trong thời kỳ mang thai, trong khi đẻ hoặc cho con bú. Khoảng 30 – 40% trẻ em sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV sẽ bị nhiễm virus này.

    Trong thời kỳ mang thai, HIV có khả năng di chuyển từ máu người mẹ qua rau thai rồi vào cơ thể bào thai. Trong khi đẻ là do sây sát niêm mạc và da, tạo đường xâm nhập của vi Virus từ người mẹ sang trẻ. Và trong thời gian cho con bú, HIV có thể lây nhiễm cho con qua sữa mẹ hoặc do sây sát.

Những trường hợp không lây nhiễm HIV

    Muỗi đốt: Người ta đã nghiên cứu và thấy vi rút HIV không sống và sinh sản trong cơ thể muỗi.

    Khi muỗi đốt người thì máu từ cơ thể người đi vào cơ thể muỗi chứ không đi từ cơ thể muỗi sang cơ thể người. Muỗi chỉ tiết vào cơ thể người một ít nước bọt có chứa chất chống đông máu để máu chảy được vào cơ thể muỗi. HIV không tồn tại và sinh sản trong cơ thể muỗi nên nó không có trong nước bọt của muỗi, do đó không đi vào cơ thể người.

    Đây là điểm khác với ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét sống và sinh sản trong cơ thể muỗi nên nó đi vào cơ thể người từ nước bọt của muỗi. Cấu trúc vòi muỗi rất tinh tế phức tạp, khiến cho máu đi vào bên trong cơ thể muỗi mà không bị dính ở ngoài. Do đó, không có chuyện máu của người bị đốt trước dính vào người bị đốt sau.

    Các tiếp xúc thông thường như dùng chung các dụng cụ lao động, dùng chung nhà vệ sinh, bồn tắm, bể bơi, khăn tắm, bắt tay, ôm, ho, hắt hơi, ăn chung, dùng chung chén, bát, ly, cốc, ngủ chung không gây lây nhiễm HIV vì muốn nhiễm được vào một người thì vi rút HIV phải đi vào đường máu của người đó.

    Hôn: Hôn nhau ít khi người ta chỉ hôn bên ngoài. Sẽ rất buồn nếu mỗi lần say đắm lấn sân thì lại thót tim: "Không biết có lây SIDA không nhỉ? Nước bọt trộn lẫn liệu có lây không?" Chúng ta đừng quá lo lắng. Các nhà khoa học đã phân tích thành phần các chất dịch của cơ thể và kết luận rằng nước bọt của người mang vi rút HIV chỉ có một lượng HIV vô cùng nhỏ bé, do đó không thể truyền HIV được.

    Hôn lưỡi hay còn gọi là "hôn sâu" thì sao?

Chỉ có trường hợp hai người cùng bị loét, xước da ở trong miệng hay chảy máu rǎng mà hôn sâu làm tiếp xúc máu thì mới có khả nǎng lây nhiễm.

    Tiếp xúc khác

    Muốn nhiễm được vào một người thì vi rút HIV phải đi vào đường máu của người đó. Do đó, mà tiếp xúc thông thường không làm lây HIV. Tất cả các kiểu tiếp xúc như cùng ǎn uống, mặc chung quần áo, ôm ấp, hôn, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không có quan hệ tình dục!), làm việc cùng cơ quan, đi xe đạp mượn, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc... đều không làm cho ai bị nhiễm HIV của người khác.

 

Nguồn: Blog Giáo Dục Giới Tính Online


Leading Cloud Surveillance, Recording and Storage service; IP camera live viewing

Leading Enterprise Cloud IT Service; cloud file server, FTP Hosting, Online Storage, Backup and Sharing

Powered by FirstCloudIT.com, a division of DriveHQ, the leading Cloud IT and Cloud Surveillance Service provider since 2003.